-
Thế nào là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng?
Nhìn chung, hàng giả hay hàng nhái, hàng kém chất lượng đều là cách gọi thông thường. Nếu xét dưới góc độ những quy định của pháp luật thì chúng được định nghĩa chung là hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ. Theo quy định tại Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 thì Hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ được xác định như sau:
“1. Hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này bao gồm hàng hoá giả mạo nhãn hiệu và giả mạo chỉ dẫn địa lý (sau đây gọi là hàng hoá giả mạo nhãn hiệu) quy định tại khoản 2 Điều này và hàng hoá sao chép lậu quy định tại khoản 3 Điều này.
2. Hàng hoá giả mạo nhãn hiệu là hàng hoá, bao bì của hàng hoá có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý.
3. Hàng hoá sao chép lậu là bản sao được sản xuất mà không được phép của chủ thể quyền tác giả hoặc quyền liên quan.”
Để cụ thể hơn cho quy định này, pháp luật đã có quy định cụ thể đối với thuật ngữ “hàng giả”, Điều 7 Nghị định 98/2020/NĐ-CP có quy định chi tiết như sau:
“7. “Hàng giả” gồm:
a) Hàng hóa có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng hoặc có giá trị sử dụng, công dụng không đúng so với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký;
b) Hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản hoặc định lượng chất chính tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;
c) Thuốc giả theo quy định tại khoản 33 Điều 2 của Luật Dược năm 2016 và dược liệu giả theo quy định tại khoản 34 Điều 2 của Luật Dược năm 2016;
d) Thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật không có hoạt chất; không có đủ loại hoạt chất đã đăng ký; có hoạt chất khác với hoạt chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa; có ít nhất một trong các hàm lượng hoạt chất chỉ đạt từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng;
đ) Hàng hóa có nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu, phân phối hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã số công bố, mã số mã vạch của hàng hóa hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của tổ chức, cá nhân khác; giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa;
e) Tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả.”
-
Thực trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tại Việt Nam hiện nay
Qua một số khảo sát cho thấy, hiện nay hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng có mặt ở rất nhiều phân khúc của thị trường, từ các hàng tạp hóa trên các phiên chợ vùng sâu, vùng xa đến hè phố các đô thị, thậm chí len lỏi, trà trộn vào cả những siêu thị cao cấp ở những đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.
Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng có những biểu hiện như đa dạng về mẫu mã, “linh động” về giá cả và đặc biệt nguy hiểm hơn là còn phong phú cả về chủng loại. Sự nguy hiểm thể hiện ở chỗ, bên cạnh việc gây thiệt hại về kinh tế cho việc kinh doanh hàng chính hãng, nó còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Điển hình là đồ ăn, đồ uống, thuốc chữa bệnh...giả, kém chất lượng khiến người tiêu dùng phải đối mặt với những nguy cơ tiềm tàng về sức khỏe.

Những sản phẩm hàng giả, hàng nhái có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng. (Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa)
Nguồn: Internet.
Hầu hết các hãng có uy tín, có thương hiệu, được người tiêu dùng ưa chuộng đều có nguy cơ bị làm giả, làm nhái hàng hóa. Xét về góc độ kinh tế, hàng giả, hàng nhái gây ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận của những doanh nghiệp sản xuất., kinh doanh chân chính. Tác động tiêu cực đầu tiên là hành vi nêu trên làm mất uy tín của những doanh nghiệp có sản phẩm bị làm giả, khiến người tiêu dùng hiểu lầm, dẫn đến việc quay lưng lại với sản phẩm. Mặt khác, vì có lợi thế về giá cả so với với hàng “xịn” mà hàng giả, hàng nhái khiến những mặt hàng chính hãng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng lâm vào tình trạng ế ẩm, suy giảm doanh thu. Thị trường băng đĩa CD, VCD, DVD ở Việt Nam là một ví dụ điển hình cho hiện tượng này.
-
Nguyên nhân dẫn đến sự tồn tại và phát triển của hàng giả hàng nhái
-
Bất cập cơ chế quản lý
Cơ chế, chế tài xử lí vi phạm của Nhà nước còn chưa đủ mạnh có thể coi là một trong những nguyên nhân khiến nạn hàng giả vẫn còn hoành hành suốt thời gian vừa qua. quản lý của nhà nước còn quản lý nhà nước chưa đủ.
Thực tế, hiện có tới năm cơ quan hành chính có chức năng và thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính về sở hữu trí tuệ: cơ quan quản lý thị trường; thanh tra chuyên ngành Khoa học - Công nghệ; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; công an kinh tế; UBND các cấp cùng cơ quan hải quan kiểm soát hàng nhập khẩu. Lực lượng quản lý, kiểm tra tuy đông nhưng hoạt động thiếu đồng bộ, chồng chéo nhau nên nạn hàng giả vẫn nganh nhiên hoành hành.
Không những thế, chính cơ chế kiếm tra, xử lý hàng giảm hàng nhái cũng vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Chẳng hạn như nhiều hàng giả, hàng nhái thiếu tinh vi có thể dùng mắt thường cũng phân biệt được, tuy nhiên để có thể khẳng định nó có phải hàng giả hay không thì cần phải kiểm tra giám định. Kiểm tra, giám định không chỉ tốn thời gian mà chi phí cũng không hề rẻ. Thông thường để có thể đem sản phẩm đi giám định các cơ quan chức năng phải ứng trước chi phí giám định. Theo quy định của pháp luật thì chính đương sự vi phạm phải nộp khoản tiền giám định đó nhưng hầu như không có đương sự nào tự nguyệt chịu nộp và việc cưỡng chế thi hành cũng khó khăn.
-
Tâm lý ham mua hàng rẻ của người tiêu dùng
Tâm lí người tiêu dùng ham mua hàng rẻ cũng chính là một trong những nguyên nhân cổ súy hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Bởi hàng giả với chất lượng kém gấp nhiều lần, khi bán ra thị trường, thường có mức giá rẻ hơn nhiều hoặc chỉ bằng một nửa, do đó lượng tiêu thụ rất lớn và dễ dàng, nhất là ở những khu vực vùng sâu vùng xa có mặt bằng thu nhập hơn.
Với những hàng giả, hàng nhái tinh vi hơn thậm chí còn được luồn lách vào các siêu thị lớn và người tiêu dùng, bằng mắt thường rất khó có thể phân biệt được. Do đó, để bảo vệ chính mình, người tiêu dùng cần có những giải pháp thông minh để hỗ trợ phân biệt hàng giả.
-
Doanh nghiệp chưa ý thức mạnh mẽ việc bảo vệ thương hiệu trước nạn hàng giả
Rất nhiều doanh nghiệp với vai trò sản xuất, cung cấp sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa đến người tiêu dùng nhưng lại chưa ý thức được sâu sắc, mạnh mẽ việc bảo vệ thương hiệu cho mình cũng như quyền lợi được sử dụng hàng chính hãng của các doanh nghiệp.
Một số doanh nghiệp cũng đã tìm cách bảo vệ sản phẩm, dịch vụ của mình bằng giải pháp tem chống giả để gắn lên sản phẩm cho người dùng có thể dễ dàng nhận biết. Tuy nhiên, dù công nghệ không ngừng được cải tiến thì những con tem chống giả này chỉ một thời gian ngắn đã được làm giả thật dễ dàng. Và vấn nạn hàng hóa bị làm giả, làm nhái của các doanh nghiệp đâu lại vào đấy
-
Quy định pháp luật về việc xử phạt hành vi kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng
-
Xử lý hành chính
Tùy theo từng trường hợp cụ thể, việc xử lý hành chính đối với hành vi buôn bán, sản xuất hảng giả hàng nhái được quy định cụ thể tại Nghị định 98/2020/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
-
Xử lý hình sự
Việc sản xuất, buôn bán hàng giả bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại Điều 192 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung 2017. Cụ thể nếu cá nhân nào có hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả sẽ bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 15 năm. Bên cạnh đó còn có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như:
– Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng
– Cấm đảm nhiệm chức vụ
– Cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm
– Tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Riêng với chủ thể thực hiện hành vi là pháp nhân thương mại mức phạt tiền khi bị truy cứu hình sự ở tội danh này là từ 1.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng; đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm hoặc bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Hình thức xử phạt bổ sung đối với chủ thể này:
– Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng
– Cấm kinh doanh
– Cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định
– Cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
-
Giải pháp ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng
1.Đối với doanh nghiệp
Để công tác ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng được hiệu quả và tốt nhất thì vai trò của doanh nghiệp – chủ cơ sở sản xuất cực kỳ quan trọng.
Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam cũng có quy định đây không chỉ là quyền mà còn là trách nhiệm của các doanh nghiệp trong công tác phối hợp và hợp tác với các cơ quan thực thi pháp luật.
Sự liên minh giữa các nhà sản xuất trong công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái cần được thực thi một cách tích cực hơn.
Chính sự buông lỏng của doanh nghiệp trong công tác quản lý, giám sát tiêu thụ hàng của là điều cần thiết và không nên coi việc chống hàng giả chỉ là trách nhiệm của cơ quan thực thi pháp luật.
Doanh nghiệp cần liệt kê những đặc điểm riêng biệt giúp phân biệt với hàng giả và thông báo đến người tiêu dùng. Đặc biệt cần thực hiện hệ thống tem chống hàng giả để người tiêu dùng nhận diện cũng như giúp công tác quản lý và kiểm soát hàng hóa được tốt hơn.
Tem chống hàng giả còn là phương tiện giúp các cơ quan thẩm quyền nhận diện hàng thật, hàng giả để kịp thời xử lý.
Nếu nhãn hàng của doanh nghiệp, chủ sở hữu bị xâm phạm thì chính doanh nghiệp cần chủ động gửi đơn khiếu nại hoặc thông qua văn phòng luật sư nhằm khiếu nại lên Cục Sở hữu Trí tuệ sớm nhất.
2.Đối với người tiêu dùng
Người tiêu dùng, cần nâng cao tinh thần cảnh giác khi mua hàng và phải nhận thức rõ nhiệm vụ của mình trong việc chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Người tiêu dùng cần trang bị các kiến thức cần thiết để phân biệt được sản phẩm nào là hàng thật, sản phẩm nào là hàng giả, hàng nhái. Bởi việc này nhằm bảo vệ chính quyền lợi của bạn và còn chống lại hành vi phá hoại sản xuất, kìm hãm sự phát triển nền kinh tế đất nước.
Khi phát hiện hàng giả, hàng nhái, người tiêu dùng cũng nên phản hồi ngay với cơ sở sản xuất, doanh nghiệp để công ty biết và đưa ra biện pháp xử lý.
Trên đây là nội dung Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng – thực trạng, nguyên nhân và biện pháp xử lý Công ty Luật TKB gửi tới Quý khách hàng. Nội dung tư vấn chỉ mang tính chất tham khảo tại thời điểm có hiệu lực hiện hành của các văn bản quy phạm pháp luật. Để được hướng dẫn chi tiết, hiệu quả quý khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số hotline: 1900 055 586.
Trân trọng!